Khi thực hiện một số giao dịch mua bán, thuê mua,… chúng ta thường thấy rằng để tăng thêm sự ràng buộc trách nhiệm giữa các bên, đảm bảo ý chí ban đầu của các bên được xác lập thì các chủ thể thường hay tiến hành giao dịch đặt cọc. Điều đáng nói là nhiều người vẫn còn nhầm lẫn giữa 2 hình thức “đặt cọc” và “trả tiền trước” là giống nhau, đại khái họ cho rằng đều là có sự giao trước một khoản tiền (hoặc tài sản giá trị khác) cho bên có quyền nhằm đảm bảo hợp đồng sẽ được giao kết. Tuy nhiên, bản chất hai hình thức trên là hoàn toàn biệt, và việc phân biệt đặt cọc hay trả tiền trước là rất quan trọng vì hậu quả pháp lý của chúng là khác nhau, là phạt cọc hay xử lý tiền trả trước. Bài viết dưới đây iTro sẽ phân tích rõ để mọi người có thể phân biệt và tránh gây ra sự nhầm lẫn không đáng có.
1. Khái niệm
- Đặt cọc: Theo khoản 1 Điều 328 BLDS 2015 thì có thể hiểu đặt cọc là việc: một bên (sau đây gọi là bên đặt cọc) giao cho bên kia (sau đây gọi là bên nhận đặt cọc) một khoản tiền hoặc kim khí quý, đá quý hoặc vật có giá trị khác (sau đây gọi chung là tài sản đặt cọc) trong một thời hạn để bảo đảm giao kết hoặc thực hiện hợp đồng.
- Trả tiền trước: Pháp luật hiện hành không có quy định về việc “trả tiền trước”. Tuy nhiên, trong việc áp dụng thực tiễn thì có thể hiểu đơn giản, trả tiền trước là việc bên có nghĩa vụ trả tiền tiến hành trả trước một khoản tiền cho bên có quyền. Có thể hiểu đây chỉ là việc thực hiện trước một phần nghĩa vụ, cụ thể là chuyển giao trước một phần khoản tiền.
Hiện nay có nhiều người vẫn hay nhầm lẫn biện pháp bảo đảm đặt cọc với việc trả tiền trước. Việc phân biệt đặt cọc hay trả tiền trước là rất quan trọng vì hậu quả pháp lý của chúng là khác nhau, là phạt cọc hay xử lý tiền trả trước.
2. Hậu quả pháp lý khi có vi phạm
Đối với đặt cọc:
+ Trường hợp hợp đồng được giao kết, thực hiện thì tài sản đặt cọc được trả lại cho bên đặt cọc hoặc được trừ để thực hiện nghĩa vụ trả tiền;
+ Nếu bên đặt cọc từ chối việc giao kết, thực hiện hợp đồng thì tài sản đặt cọc thuộc về bên nhận đặt cọc;
+ Nếu bên nhận đặt cọc từ chối việc giao kết, thực hiện hợp đồng thì phải trả cho bên đặt cọc tài sản đặt cọc và một khoản tiền tương đương giá trị tài sản đặt cọc, trừ trường hợp có thỏa thuận khác. (khoản 2 Điều Điều 328 BLDS 2015)
Do bản chất của đặt cọc là thỏa thuận dân sự nhằm bảo đảm thực hiện nghĩa vụ giữa các bên nên các bên có thể thỏa thuận phạt cọc gấp 2 đến nhiều lần giá trị tài sản đặt cọc và thỏa thuận phạt cọc này phải ghi trong hợp đồng, đây được xem như chế định phạt vi phạm hợp đồng.
Đối với trả tiền trước:
Khi có bên vi phạm nghĩa vụ hay không tiến hành giao kết hợp đồng như ý chí ban đầu thì khoản tiền trả trước về nguyên tắc sẽ được hoàn trả lại cho bên đã trả và sẽ không chịu bất cứ khoản phạt cọc nào. Điểm này khác hoàn toàn so với hậu quả pháp lý của biện pháp đặt cọc như đã đề cập ở phần trên.
Lưu ý: Bên cạnh đó, có một điểm đáng lưu ý nữa là theo quy định tại Điều 29 Nghị định 163/2006/NĐ–CP quy định thì: Trường hợp một bên trong hợp đồng giao cho bên kia một khoản tiền mà các bên không xác định rõ là tiền đặt cọc hoặc tiền trả trước thì số tiền này được coi là tiền trả trước.
Thông qua những chia sẻ từ bài viết trên, iTro hi vọng các chủ nhà trọ cũng như khách thuê trọ có những thông tin bổ ích để thực hiện việc thuê trọ thuận lợi và thành công!