Kinh nghiệm thuê phòng trọ không bị lừa dành cho sinh viên?

06/01/2019 04:21 Đăng bởi: admin

     Thuê nhà trọ - phòng trọ giá rẻ là mối quan tâm của nhiều sinh viên xa quê tìm đến các thành phố lớn để làm việc và học tập. Tuy nhiên, để tìm thuê được nhà trọ - phòng trọ giá rẻ, đúng như ý muốn ở các thành phố lớn không phải là điều đơn giản. Thậm chí trên các diễn đàn, báo online thường xuyên chia sẻ các câu chuyện nhiều người bị gạt tiền khi thuê nhà trọ - phòng trọ. Dưới đây là những hình thức lừa đảo hay gặp nhất cũng như các kinh nghiệm quan trọng dành cho các bạn sinh viên khi đi thuê nhà trọ - phòng trọ để tránh bị lừa đảo!

1. Lừa đảo tiền đặt cọc giữ phòng

-  Hình thức

     Với chiêu trò này, các chủ nhà trọ sẽ dán những tờ rơi thông báo cho thuê phòng trọ ở những vị trí gần các trường đại học, cao đẳng rất hấp dẫn như “phòng trọ giá rẻ, giờ giấc tự do, bao điện, nước, wifi, gần trạm xe buýt, giữ xe miễn phí, phòng WC riêng, không chung chủ,…”

     Khi đến xem phòng, các bạn sẽ được dẫn đến những căn phòng khang trang, rộng rãi cùng những ưu đãi rất “hời” so với giá thuê. Chủ nhà trọ sẽ yêu cầu bạn đặt cọc một khoảng tiền từ 500.000đ đến 2.000.000đ (1 tháng tiền phòng) để giữ chỗ. Vì nhẹ dạ cả tin và sợ mất phòng giá tốt nên các bạn sinh viên thường đồng ý ngay và được đưa cho một tờ giấy nhận đặt cọc với ghi chú là “nếu không chuyển vào ở xem như mất cọc” cùng những lời thỏa thuận tốt đẹp khác.

     Các bạn chỉ tá hỏa rằng mình đã bị lừa đảo khi đến nhận phòng không như mong muốn, bị làm khó dễ và dĩ nhiên không đơn giản để lấy lại được tiền cọc. Nếu các bạn làm căng thì hoặc là được đưa đến những căn phòng xập xệ với giá cao hơn hoặc bị những tay gian hồ dằn mặt. Thế là đành ngậm đắng nuốt cay ra về và tiếc hùi hụi khoảng tiền có thể ăn được cả tháng của mình.

Trước khi đặt bút ký hợp đồng các bạn cần tham khảo đầy đủ các thông tin

-  Dấu hiệu nhận biết

  • Bắt đặt cọc một khoản tiền khá lớn thường dao động từ 500.000đ lên đến 3 tháng tiền thuê phòng trọ mới được chuyển vào ở.
  • Đến ngày chuyển vào, chủ nhà trọ đưa ra các mức phí “cắt cổ” không có trong thỏa thuận từ trước như giữ xe 300.000đ/1 chiếc, tiền cáp 100.000đ, tiền mạng 100.000đ, tiền nước 150.000đ, tiền rác 100.000đ,…
  • Đưa ra đủ loại chi phí từ “trên trời rơi xuống” như tiền đền bù hao mòn tài sản 200.000đ, phí đăng kí 200.000đ, tiền camera an ninh,…
  • Lấy đủ lý do để hoãn thời gian chuyển vào phòng như đang sửa chửa, hư chìa khóa, chủ trọ đi vắng,…
  • Hâm dọa bằng nhiều cách để các bạn bỏ cọc như phòng vệ sinh bị hư tràn nước vào phòng, tự sửa chữa nếu có hư hỏng, thậm chí là thuê gian hồ dằn mặt,…

-  Cách phòng tránh

  • Lên Google gõ số điện thoại nơi bạn sắp đến xem phòng xem có thông tin lừa đảo nào không.
  • Tham khảo ý kiến người dân xung quanh khu vực nhà trọ. Nên đi xem phòng với một hoặc hai bạn bè khác.
  • Nên ghi âm lại toàn bộ cuộc đối thoại giữa bạn và chủ nhà trọ để tránh chủ trọ lật lọng về sau.
  • Không đặt cọc khi thấy có dấu hiệu lừa đảo, trong trường hợp đặt cọc thì phải yêu cầu chủ trọ ghi rõ ràng và chi tiết các những thỏa thuận về tiền phòng, chi phí hàng tháng để làm bằng chứng. Giấy đặt cọc phải có chữ kí của của hai bên và chỉ trả 50% tiền đặt cọc bên nhà trọ yêu cầu.

2. Tăng chi phí hàng tháng bất thường

-  Hình thức

     Đây là một chiêu trò tinh vi hơn và bạn nên đặc biệt đề phòng vì ban đầu sẽ rất khó để nhận biết. Thông thường chủ trọ sẽ rất nhiệt tình và đưa ra giá phòng cùng những chi phí hàng tháng cực kì ưu đãi cho sinh viên như tiền nước 70.000đ/1 tháng, tiền điện theo giá nhà nước, tiền giữ xe 100.000đ. Tuy nhiên, khi bạn vừa ở được vài tuần đến một tháng thì chủ trọ sẽ kêu ca tiền điện, tiền nước tăng và bắt bạn đóng tiền nước lên đến 100.00đ – 150.000đ/người và tăng tiền giữ xe, tiền rác liên tục. Nếu bạn chịu không nổi chi phí quá cao thì phải tự chuyển đi và mất cọc.

Bên cạnh cơ sở vật chất thì giá điện, giá nước cũng là vấn đề cần quan tâm

-  Dấu hiệu nhận biết

  • Không có hợp đồng thuê nhà, hoặc hợp đồng không rõ ràng về các khoản phí hàng tháng.
  • Đưa ra những mức chi phí cực kì hấp dẫn cho sinh viên.
  • Ban đầu quá nhiệt tình và tạo mọi điều kiện tốt cho bạn thuê phòng trọ.
  • Phòng không có đồng hồ điện, nước riêng.

-  Cách phòng tránh

  • Kiểm tra cẩn thận phòng trọ trước khi tiến hành đặt cọc: nhà vệ sinh, cửa ra vào, khu vực để xe, cửa sổ, cửa ra vào, đồng hồ điện, nước,…
  • Trao đổi kỹ lưỡng thông tin với chủ nhà trọ: như nhà trọ có chính chủ không, giờ giấc ra vào như thế nào, nếu có hư hỏng các thiết bị trong phòng thì ai sẽ chịu trách nhiệm sửa chữa, chi phí cơ bản (tiền thuê phòng, tiền điện, tiền nước, tiền mạng, tiền rác, tiền giữ xe, tiền đặt cọc,…)
  • Xác nhận là ngoài những chi phí cơ bản thì còn phát sinh thêm bất kì khoản chi phí nào hay không?
  • Kiểm tra xem phòng có đồng hồ điện, nước riêng hay không?
  • Khi ký hợp đồng phải đọc kỹ và yêu cầu liệt kê tất cả chi phí hàng tháng vào hợp đồng. Xem kỹ thông tin về ngày tháng, các điều khoản quyền lợi và nghĩa vụ của hai bên và phải có cả hai bên cùng ký

3. Cho địa chỉ ma

-  Hình thức

     Đây cũng là một trong những chiêu trò lừa đảo phổ biến, theo đó khi bạn liên hệ thì sẽ không được dẫn đến xem phòng mà lấy lí do là có nhiều khu nhà trọ khác nhau nên chỉ cần đặt cọc để giữ chỗ và giữ giấy đến nhận phòng. Tuy nhiên, khi đến thì chủ trọ là một người khác hoặc địa chỉ được cho không hề có một khu nhà trọ nào cả. Tuy đây là một trường hợp rất ít gặp vì sinh viên ngày càng cảnh giác hơn, nhưng vẫn có những trường hợp các bạn tân sinh viên ở tỉnh lên bị lừa gạt.

-  Dấu hiệu nhận biết

  • Viện lí do không dẫn bạn vào xem phòng trọ.
  • Yêu cầu đặt cọc giữ phòng và giao giấy hẹn ghi địa chỉ phòng trọ.

-  Cách phòng tránh

  • Yêu cần dẫn xem phòng trực tiếp.
  • Chỉ đặt cọc giữ chỗ khi có thỏa thuận biên nhận rõ ràng.
  • Tân sinh viên tốt nhất nên ở kí túc xá hoặc nhờ người quen, Đoàn, Hội hỗ trợ tìm địa chỉ phòng trọ an toàn,...

4. Lừa đảo tiền giới thiệu

-  Hình thức

     Đây được xem là một hình thức “cò phòng trọ”, với chiêu trò này các tay cò sẽ tìm thông tin nơi cho thuê phòng trọ và đăng lên các trang web và nhóm Facebook tìm phòng trọ, khi có bạn liên hệ thì sẽ được dẫn đến xem phòng. Sau đó, cò sẽ đòi bạn chi một khoảng tiền thù lao giới thiệu phòng và lời đe dọa nếu bạn không trả tiền cho những tên này.

Luôn cảnh giác với những thông tin nhà trọ không được rõ ràng

-  Dấu hiệu nhận biết

  • Không nắm rõ thông tin của căn phòng trọ.
  • Nhiệt tình dẫn bạn vào xem phòng và gặp một chủ khác khi đến nhà trọ.
  • Số điện thoại đã đăng nhiều tin bán/ thuê bất động sản,…

-  Cách phòng tránh

  • Tra số điện thoại trên Google để xem có phải lừa đảo hay không. Bạn có thể tham khảo những website và group Facebook tìm nhà trọ uy tín .
  • Tra địa chỉ phòng trọ xem có thông tin chính chủ hay không và nên đến thẳng phòng trọ thay vì để cò dẫn vào.
  • Liên hệ cò và hỏi nhiều thông tin về căn phòng trọ của bạn sắp xem, nếu có dấu hiệu ấp úng, trả lời qua loa thì xác định là cò phòng.
  • Đi xem phòng với bạn bè để tránh trường hợp bị uy hiếp.

Hi vọng với những chia sẻ của iTro sẽ giúp các bạn sinh viên có cái nhìn rõ hơn về việc đi tìm phòng trọ cho thuê,tránh bị “tiền mất tật oan”.